Subscribe:

Thứ Năm, 12 tháng 2, 2015

Tập thơ " Tình riêng " của Nhà thơ Phạm Duyến




ẤN TƯỢNG VỚI TÌNH RIÊNG
Cầm trên tay tập thơ “ Tình riêng ” xin bạn đọc đừng đưa các tiêu chí của thơ ra để soi xét bởi lẽ đơn giản tác giả có phải là nhà thơ đâu. Phạm Duyến là nhà giáo “ Làm thơ ” như một nhu cầu tự sự , tự mình để đọc, vợ con đọc và bạn bè tri kỷ đọc. Anh viết thơ để vui, để chơi. Anh in thơ để làm vật kỷ niệm tặng bạn bè , để tạo cái mốc đẹp mừng ngày thượng thọ tuổi bảy mươi vậy thôi.
Đọc “ Tình riêng ”, cái gây ấn tượng đầu tiên là không gian thơ của anh mở rộng từ quê hương Minh Hòa đến các vùng quê trong tỉnh và đất nước như Yên Phụ, Côn Sơn, Yên Tử, Hải Phòng, Huế, Đà Lạt, Biên Hòa, Vũng Tàu, Côn Đảo, Đồng Nai, Thành Phố Hồ Chí Minh… Cho tới vùng Đông Nam Châu Á như Thái Lan, Ma-lai-xi-a, Singapor, Trung Quốc,…Anh có mặt ở tháp đôi Cua-La-nam-pơ. Anh đặt chân đến Vạn Lý Trường Thành…chỗ nào, nơi nào anh đã đến là có thơ. Đó là những vần thơ nhờ công cuộc đổi mới của đất nước mà có.
Trong “ Tình riêng” vắng bóng những trăn trở u buồn mà bao trùm cảm hứng yêu đời, yêu nghề, yêu cảnh đẹp, yêu quê hương đất nước. Phải là con người thanh thản vô tư mới có hơi thở lạc quan như vậy.
Đây là vùng đất Kinh Môn có sông bao bọc, bà con vẫn gọi là đảo:
Khu đảo quê mình cảnh đẹp thay
Triều dâng, sóng vỗ nước Kinh Thầy
Thuyền giăng trở đá đi muôn ngả
Búi biếc non ngàn dạ đắm say
( Đảo quê mình)

Đây là hồ Ba Bể ở Bắc Cạn.
Hồ Ba Bể rộng mênh mông
Núi vây, gió lách nước lồng bóng mây
( Hồ Ba Bể)

Còn đây là cảnh Tây Hồ ở Hàng Châu Trung Quốc:
Bồng bềnh nước nhỏ lướt đi
Sóng xanh, nước bạc thầm thì hát ru.
( Tây Hồ)
Ngay cả giây phút chia tay với mái trường cấp II Quang Phuc Tứ Kỳ Hải Dương nơi anh đến thực. Anh viết cho học sinh lớp 5B mà anh làm chủ nhiệm.
Phút chia tay ngậm ngùi lưu luyến
Ánhmắt nhìn lắng đọng yêu thương
Gửi các em lời chào tạm biệt
Nhớ xôn xao trò nhỏ - mái trường.
( Nhớ)
Về nghỉ hưu cũng thế anh luôn lạc quan tin tưởng đồng nghiệp khi tạm biệt mái trường.
Tạm biệt đàn em với mái trường
Bạn bè đồng nghiệp vẫn yêu thương
Nghỉ hưu âu vẫn còn duyên nợ
Duyên nợ trồng người mãi vẫn vương.
Ta trân trọng nỗi nhớ da điết nhưng trong sáng nơi anh – Người thầy người Hiệu trưởng gắn bó suốt đời với nghề dạy học.
Cái rất đáng trân trọng và làm nên xúc động của “ Tình riêng ” chính là ở tình người, ở tính nhân văn, ở những tình cảm sâu sắc nơi anh. Trước hết là tình nhà. Là một con người, Anh da diết nhớ thương cha mẹ khi cha mẹ về già, dẫu biết đó là quy luật:
Mẹ đi trời đổ mưa tuôn
Vườn cây ao cá nỗi buồn mênh mông
Non bồng mẹ có hay không?
Con thương cháu khóc đẫm dòng lệ rơi.
( Bao dòng lệ rơi)
Đó là những câu thơ khóc mẹ thực sự xúc động.
Là người cha anh sung sướng tự hào khi thấy con cháu trưởng thành ăn ra làm nên, gia đình hạnh phúc có tâm với tổ tiên nội ngoại”
Con làm rạng rỡ tổ tông
Vần thơ lục bát mấy dòng tặng con
( Dâu ngoan)
“ Trẻ cậy cha, già cậy con ”. Câu tục ngữ ấy đúng với hoàn cảnh của anh. Có mấy người khi về hưu được con đưa đi hết  nước này đến nước khác, hưởng của ngon vật lạ như anh?
Là người bạn anh nhớ thương bạn bè đã ngã xuống vì độc lập tự do của dân tộc. anh gần gũi thân thương với các nhà giáo nhất là khi về hưu. Những bạn nhà giáo bước vào tuổi bạc ở Hội cựu giáo chức địa phương anh đều có thơ tặng:
Chúc ông vui khỏe sống lâu
Hẹn mười xuân tới chcú câu tuổi vàng.
( Chúc câu tuổi vàng)
Dẫu đã “ gần thất thập”, khi gặp thầy giáo cũ, anh vẫn là người trò nhỏ:
Trường xưa, trò cũ vẫn còn
Tuy xa xôi mặt, sắt son tấm lòng
Gặp thầy thỏa nỗi nhớ mong
Tình thầy trò vẫn thắm nồng trái tim.
( Trò cũ thăm thầy)
Những tình cảm đẹp như vậy ở nơi anh, không viết thành thơ, nó cũng là thơ rồi.Mặc dù không phải là nhà thơ chuyên nghiệp nhưng bài viết anh viết ra khá suôn sẻ, trơn tru, có vần điệu, có hồn. Trong tập thơ thất ngôn xen lẫn thơ lục bát luôn làm người đọc thay đổi tư duy nghệ thuật. Anh có sở trường thơ lục bát hơn. Nhiều câu lục bát anh viết khá chắc:
Tuyệt vời ai vẽ ai tô
Mây vương khe núi, xanh mờ thông reo.
Tả cảnh Đà Lạt như thế là câu thơ có hình ảnh đẹp có cái mềm mại có cái mờ ảo, nhẹ như bức tranh lụa. Còn đây là bức tranh về Yên Tử:
Non xanh nước biếc dặm dài
Thiêng kiêng Yên Tử, bồng lai chùa Đồng.
Ai đã lên chùa Đồng, đứng trong mây ngàn gió núi mới thấy cảnh nơi đây đúng là cảnh bồng lai như thực như mơ. Tả cảnh như vậy, viết về người nông dân xã Lại Xuân, Thủy Nguyên, Hải Phòng anh cũng có câu thơ ấn tượng:
Mái đầu tắm nắng gội mưa
Cho khoai nhiều củ lúa ngô xanh đồng.
Những chữ “ tắm”, “ gội” là những hạt thóc chắc của nếp cái hoa vàng đặc sản, nó làm nên hương thơm cốm cho thơ.
Đọc “ Tình riêng” của anh mà thấy tình chung rộng lớn của nhà giáo, của con người Việt Nam nghĩa tình và nhân hậu. Mấy dòng viết này là món quà nhỏ mừng anh vào tuổi bạc.

 VĂN DUY
Ủy viên BCH, Trưởng ban văn xuôi hội văn nghệ tỉnh Hải Dương.
Nguyên hiệu trưởng trường chuyên Phạm Sư Mệnh – Kinh Môn.

LỜI TÁC GIẢ
Phạm Duyến yêu thơ và tập làm thơ từ buổi đầu vào trường sư phạm trung cấp Hải Dương khóa 1962-1962. Vừa công tác vừa học bồi dưỡng khoa lịch sử trường cao đẳng Sư Phạm Hải Dương 1977-1980.
Suốt 40 năm công tác và gần mười năm nghỉ hưu tôi làm thơ để động viên mình, con cháu, đồng nghiệp, bạn đời, học trò yêu quý,…mỗi kỳ nghỉ hè được ngành giáo dục đào dục cho đi tham quan du lịch, học tập các điển hình tiên tiến. Nơi đến là cảnh đẹp của non sông đất nước, biển đảo gắn liền tên tuổi và sự nghiệp vẻ vang của các bậc vĩ nhân, anh hùn liệt sĩ, Bác Hồ kính yêu… để non sông gấm võ Việt Nam tươi đẹp anh hùng như ngày nay.
Biết ơn tiên tổ, ông bà cha mẹ, tình cảm riêng hòa quyện với tình yêu quê hương đất nước thành thơ. Thơ là tiếng hát trái tim của riêng mình đối với nơi đến từ địa đầu Móng Cái đến mũi Cà Mau và vươn xa ra các nước Asean ngôi nhà chung của đất nước tỏng thời kỳ đổi mới và hội nhập  và với nước bạn Trung Hoa. Các bạn đồng nghiệp các thầy cô giáo cũ vẫn động viên thơ Phạm Duyến nặng tính sử thi…
Từ năm 2009 tôi có một số bài thơ đăng ở “ Tấm lòng nhà giáo” tập 9,10,11 do Hội Cựu giáo chức Việt Nam xuất bản. Báo “ Khoa học và kinh tế Hải Phòng”, trang thơ nhà giáo Hội Khuyến học Hải Dương. “ Tre xanh” bản tin Misa phần mềm máy tính.
Nhân dịp Hội người cao tuổi Việt Nam mừng tuổi Bạc, tập thơ “ Tình riêng” ra đời làm kỷ niệm tặng bạn bè đồng nghiệp, thầy cô giáo, học trò.
Mặc dù “ Tình riêng” đã được tác giả tuyển chọn song còn nhiều khiếm khuyết bởi người làm thơ không chuyên. Tác giả mong được các thầy cô giáo, các bạn đồng nghiệp, những người yêu thơ Phạm Duyến bỏ qua những non yếu để “ Tình riêng” đứa con tinh thần và trí tuệ đẹp mãi.
Tác giả xin được trân trọng cảm ơn!



0 nhận xét:

Đăng nhận xét